Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Phúc Đức Tại Mẫu

1 . “Phúc đức tại mẫu” có thể hiểu là “phúc đức từ người mẹ mà ra”. Phúc đức, theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) là “điều tốt lành để lại do con cháu do ăn ở tốt, theo quan niệm truyền thống”.
Như vậy, ông bà ta xưa cho rằng người mẹ nếu ăn ở tốt sẽ để lại những điều tốt lành cho con. Suy rộng ra là việc một người mẹ, người bà có thể để lại phúc đức cho con cháu hay không phụ thuộc vào cách sống, cách đối nhân xử thế của người đó.
2 . Tôi thấy câu “phúc đức tại mẫu” thật giản dị mà cũng không kém phần sâu sắc. Không phải vì các tác giả dân gian trân trọng, tôn sùng người phụ nữ nên nói vậy mặc dù tôn trọng phụ nữ là một điều vô cùng quý báu trong văn hoá Việt Nam.
Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã chọn đạo Mẫu làm tư tưởng ngầm xuyên suốt tác phẩm. Đạo Mẫu, theo Nguyễn Xuân Khánh, là đạo nguyên thuỷ của người Việt Nam: thờ mẫu, thờ mẹ núi, mẹ sông, mẹ đất, thờ Man nương…
Đọc tiểu thuyết này, độc giả dễ nhận thấy tác giả luôn yêu thương những nhân vật phụ nữ của mình. Có nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Xuân Khánh đã quá ưu ái các nhân vật nữ. Nhà văn giải thích là căn nguyên của cái “sự ưu ái” này là ông mồ côi cha từ năm lên sáu lên bảy tuổi, mẹ ông lúc giờ mới 30 tuổi và bà ở vậy nuôi con suốt cả đời. Ông yêu và kính trọng người mẹ của mình và nói đó là “một người đàn bà Việt thuần chất”.
3 . Tôi nhớ đến bà ngoại tôi giờ đã đi xa. Hồi tôi còn nhỏ, ông ngoại tôi làm nghề bốc thuốc gia truyền và bà ngoại vẫn thường phụ ông bốc thuốc. Bà hay giấu ông bán thuốc chịu cho những người bệnh nghèo khó không có đủ tiền mua thuốc. Bà còn mua cả gạo, mắm cho những người bệnh làm nghề thuyền chài.
Sau này, khi bà ngoại tôi bị bệnh bại liệt do tai biến của bệnh huyết áp cao, hàng ngày có nhiều người đến thăm bà mà chính các dì, các cậu tôi cũng không biết là ai. Đó chính là những bệnh nhân nợ tiền thuốc của bà. Họ đến thăm bà mà cứ khóc lóc thương bà “ăn ở hiền hậu thế mà lại bị bệnh thế này”.
Rồi cậu tôi đi học đại học Nông nghiệp ở Gia Lâm (Hà Nội). Nghỉ hè về thăm bà, cậu cứ thắc mắc là “không hiểu tại sao chị X. tốt với con thế. Dịp cuối tuần, chị thường mời con về nhà chị ở Đông Anh chơi. Chị lại còn cho con tiền đóng học phí nữa”. Lúc đó, bà ngoại tôi chỉ cười hiền, không nói gì. Cô X. đó lại cũng là một bệnh nhân nghèo của bà. Cô ấy tốt với cậu tôi như thể có lẽ cũng là vì cô muốn thể hiện lòng cảm ơn với bà ngoại.
4 . Tôi nghĩ rằng câu "phúc đức tại mẫu” không hề mang tính duy tâm. Một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, yêu thương và giúp đỡ mọi người lúc khó khăn, hoạn nạn. Ngay khi đó, có thể là những người được giúp đỡ chưa có khả năng trả ơn cho người phụ nữ đó. Nhưng sau này, khi họ khá giả, có thể là người làm ơn cho họ không còn sống trên đời này nữa, và họ lại muốn đền ơn cho những người con, người cháu của người mà họ mang ơn.
Cái vòng tròn đó thật là đẹp và tôi nghĩ rằng, theo cách này, những điều tốt đẹp cứ thế nhân rộng mãi lên. Cũng như một câu ngạn ngữ của nước ngoài “Khi bạn không thể đáp trả lòng tốt cho người nào đó, hãy làm điều tốt cho một người khác”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét